Vốn ngân hàng sẵn sàng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, lãi suất chỉ từ 6%/năm

Rate this item
(0 votes)

Tại Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long" sáng ngày 26/2/2019 tại Đồng Tháp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định

ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất ưu đãi và thời hạn cho vay phù hợp. NHNN cũng đảm bảo điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định… góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu lúa gạo. Hội nghị cũng nhằm triển khai những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gạo Việt Nam thích ứng với hội nhập quốc tế, đặc biệt triển khai nhanh chóng những chỉ đạo quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy nhanh toàn diện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2019, ngay những ngày đầu năm.

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu cũng cho thấy cần sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo, để ngành lúa gạo phát triển bền vững.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ nông nghiệp

Để hỗ trợ vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc thù. Các chính sách luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tế phát triển của ngành.

Trước hết phải kể đến Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sau đó được thay thế bởi Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015(Nghị định 55) và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 116) với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mô hình liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi vay vốn ngân hàng để mua máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo… nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo các Quyết định 63, 65 và 68.

Thời gian qua, NHNN cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai nhiều chương trình tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và lúa gạo nói riêng được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi hợp lý và giảm áp lực tài sản đảm bảo đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cũng điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Chẳng hạn quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên hiện nay là 6,5%/năm; Chính sách tỷ giá trung tâm tạo thuận lợi cho hoạt đông sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. NHNN cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 10% trở lên). Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng trong việc giảm chi phí vay vốn, NHNN đã cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với các khách hàng có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay (Thông tư 42/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018).

Đáp ứng đủ và kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo

Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, thời gian qua, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như lúa gạo đã có sự tăng trưởng rõ rệt, đảm bảo đáp ứng kịp thời vốn cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến cuối tháng 12/2018 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019 dư nợ tăng 1% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với khu vực ĐBSCL đến cuối tháng 12/2018 chiếm 17,24% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc; cuối tháng 01/2019 tăng khoảng 0,3% so với cuối năm 2018. Riêng đối với ngành lúa gạo, năm 2018 có dư nợ đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 29.789 tỷ đồng so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019, dư nợ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng (trong đó ĐBSCL đạt 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%), tăng 0,8% so với cuối năm 2018.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về vốn cho nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, ngành Ngân hàng cũng luôn chủ động, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ bà con nông dân khi gặp khó do thiên tai và khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, trước diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu lúa gạo, triển khai Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, NHNN đã chủ động ban hành văn bản số 928/NHNN-TD ngày 18/2/2019 chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho nông dân; các ngân hàng phải làm việc trực tiếp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phối hợp với doanh nghiệp có giải pháp tháo gỡ cụ thể: xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để doanh nghiệp kịp thời thu mua thóc, gạo cho người dân. Đồng thời NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh ĐBSCL phải bám sát diễn biến thị trường lúa gạo, hoạt động tín dụng trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, NHNN các giải pháp đẩy mạnh cho vay phát triển ngành lúa gạo một cách hiệu quả.

Vốn ngân hàng sẵn sàng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, lãi suất chỉ từ 6%/năm - Ảnh 1.

Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết tín dụng nông nghiệp nông thôn tháng đầu năm 2019 đã tăng 1% so với cuối năm 2018

Cam kết đủ vốn, lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay hợp lý

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định lúa gạo là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, do vậy, ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất, thời hạn, chu kỳ cho vay phù hợp. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng góp phần tạo môi trường vĩ mô ổn định (như tỷ giá, lãi suất ổn định) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiêu thụ lúa gạo.

Về vấn đề lãi suất, ngay từ đầu năm, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, các NHTMNN đã cam kết giảm 0,5% lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ngay, thể hiện sự quyết liệt và đồng hành của ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng cam kết điều hành giữ lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đề ra (khoảng 4%).

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay khi thị trường có nhiều biến động, ngành Ngân hàng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về đảm bảo cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp thu mua, tạm trữ, xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo; Tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý;

 

Thống đốc cũng chỉ đạo các NHTM chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục xem xét cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp lúa gạo;

Xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua lúa gạo cho người nông dân trong vụ Đông Xuân năm nay nhằm giúp giá lúa gạo không bị giảm sâu, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa;

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân, doanh nghiệp;

Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai quyết liệt chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp và kịp thời có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo như chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ… để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền cũng rất quan trọng, giúp người dân ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của TCTD về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa gạo.

Vốn ngân hàng sẵn sàng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, lãi suất chỉ từ 6%/năm - Ảnh 2.

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, bà con nông dân, tại Hội nghị, các NHTM như Agribank, Vietcombank, Sacombank đã cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay hợp lý (chỉ khoảng 6%/năm).

Theo ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ngân hàng này sẽ dành khoảng trên 9.000 tỷ đồng cho vay các nhu cầu thu mua lúa gạo; ngân hàng này cũng cam kết đủ vốn cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ lúa gạo có phương án, dự án khả thi; tăng cường làm việc với các doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân. Vietcombank chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nông dân với 3 "không": không lợi nhuận trong cho vay, không lợi nhuận trong thanh toán, không lợi nhuận trong mua bán ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), gần 70% tín dụng của Agribank là dành cho nông nghiệp nông thôn. Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cũng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn, đồng thời, hoàn thiện các phương thức, cách thức cho vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận vốn.

Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng "vào cuộc" chỉ đạo kịp thời các chi nhánh, cung cấp thông tin đại diện lãnh đạo ngân hàng để giáp quyết các nhu cầu vốn của doanh nghiệp, trong trường hợp có vướng mắc gì thì gửi thông tin lên HĐQT nhằm tạo điều kiện cho người dân trong tiếp cận vốn sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo…

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững ngành lúa gạo

Theo Thống đốc NHNN, để thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo nói chung và tại Khu vực ĐBSCL nói riêng, ngoài các giải pháp nên trên, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù của Chính phủ để hỗ trợ sản xuất cho người dân, đặc biệt sẽ phối hợp UBND các tỉnh vùng ĐBSCL, các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội lương thực Việt Nam đẩy mạnh cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cần những giải pháp căn cơ khác góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo của Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng cho rằng, để có thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho ngành lúa gạo phát triển thời gian tới cần sự phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp giữa các Bộ, Ngành, địa phương và các Hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó có vấn đề quy hoạch lại diện tích trồng lúa, chuyển đổi cây trồng để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ lúa gạo; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, dự báo tình hình tiêu thụ, giá cả để định hướng chính sách hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo có hiệu quả; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo có hiệu quả; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nắm bắt thị trường, kịp thời có giải pháp ứng phó linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, mở rộng thị trường mới…

Với những thông điệp mang tới Hội nghị quan trọng này của các cấp Bộ ngành trung ương và địa phương, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương vùng ĐBSCL, đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội, Hội nghị hứa hẹn mang lại những cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy việc phát triển sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

 

 
Read 2670 times

Leave a comment

Make sure you enter all the required information, indicated by an asterisk (*). HTML code is not allowed.

FANPAGE

 

 

 

Top

Joomla! Debug Console

Session

Profile Information

Memory Usage

Database Queries