Nhiều sản phẩm thuốc BVTV vi phạm
Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô có nhiều phản ánh tình trạng các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đang ráo riết kiểm tra, xử lý, siết chặt tình hình “bát nháo” mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nhãn mác, cũng như vi phạm về chất lượng.
Mới đây, cơ quan chức năng Đồng Nai tiếp tục phát hiện nhiều sản phẩm thuốc BVTV vi phạm. Cụ thể các sản phẩm thuốc BVTV bị phát hiện sai phạm về nhãn mác như: Sản phẩm thuốc trừ sâu rầy Sieugion 370WP sản xuất ngày 28/02/2019, do Công ty CP thuốc BVTV Việt Trung (Long An) sản xuất; Sản phẩm thuốc trừ bệnh Teamgold 101WP I36 sản xuất ngày 8/7/2019 do Công ty TNHH Nông nghiệp Mai Kha (Tiền Giang) sản xuất; Sản phẩm thuốc trừ bệnh Starone do Công ty TNHH ANDOVINA sản xuất ngày 24/9/2019 do Công ty TNHH ANDOVINA (Cần Thơ) sản xuất; Sản phẩm thuốc trừ sâu KAKASUPER 130WP, ngày sản xuất 27/11/2018 do Công ty CP thuốc BVTV Việt Trung (Long An).
Thuốc trừ bệnh cây Microthiol Special 80WP ngày sản xuất 31/1/2019 Công ty TNHH Baconco (Bà Rịa Vũng Tàu); Thuốc diệt côn trùng Thiafen 450 WP ngày sản xuất 20/4/2019 của Công ty TNHH Nông nghiệp HC (TP HCM); Thuốc trừ sâu Nanora Super 700EC, ngày sản xuất 4/4/2019, Công ty TNHH Phát triển TM-DV Thiên An Nông (Bình Dương).
Thuốc trừ sâu Boxing 485EC sản xuất ngày 7/5/2019 do Công ty Nhật Đức International CO.LTD (TP HCM). Thuốc trừ sâu Classico 480EC sản xuất ngày 17/11/2019 do Công ty CP VTNN Việt Nông (TP HCM). Thuốc trừ sâu FM-Tox 50EC sản xuất ngày 18/7/2019 do CN Việt Thắng (Long An).
Thuốc trừ sâu Thadant 200SC sản xuất ngày 1/7/2019 do Công ty TNHH CEC QN (Bình Định) sản xuất. Thuốc trừ bệnh Zimvil 720WP sản xuất ngày 26/01/2019, do Công ty CP Khoa học công nghệ cao American (Hà Nội).
Thuốc trừ sâu Acmayharay 100WP do Công ty CP TMSX Seiko (TP HCM). Thuốc đặc trị rầy Imidacloprid 200WP sản xuất ngày 2/11/2018 do Công ty BVTV Toàn Phát (Hà Nội) sản xuất. Thuốc đặc trị rầy Javidan sản xuất ngày 17/7/2019 do Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế FTA (TP.HCM).
Ngoài các sản phẩm của các doanh nghiệp vi phạm về nhãn mác, rất nhiều doanh nghiệp cũng bị cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm về chất lượng, kinh doanh thuốc BVTV trên nhãn ghi vượt đối tượng so với hồ sơ đăng ký (không đúng bản chất, sự thật).
Cụ thể, cơ quan chức năng Đồng Nai phát hiện sản phẩm thuốc trừ sâu Keto 120EW của Công ty TNHH Thương mại Tín Thuận Phát (Tiền Giang) với vi phạm về sản phẩm có nhãn hàng hoá ghi vượt đối tượng phòng trừ so với hồ sơ đăng ký. Thuốc trừ sâu INIP 650EC sản xuất ngày 28/8/2018 của Công ty TNHH Hóa sinh Phong Phú (Long An) cũng bị cơ quan Đồng Nai phát hiện.
Đặc biệt, cơ quan chức năng phát hiện, thuốc trừ nấm Carbenzim 500FL, ngày sản xuất 2/1/2018 bị cấm sử dụng tại Việt Nam. Thuốc diệt côn trùng Conket 250SC, sản xuất ngày 27/5/2019 cũng bị phát hiện không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam do Công ty TNHH Brahma Á Châu (An Giang) sản xuất.
Ngoài ra, tại một cửa hàng ở huyện Vĩnh Cửu, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện thuốc trừ sâu Wusso 550EC của Công ty CP BMC Vĩnh Phúc sản xuất ngày 1/5/2019 với vi phạm về nhãn hàng hoá không đúng nội dung bắt buộc; thuốc ngoài danh mục.
Cũng tại cửa hàng trên, cơ quan phát hiện thuốc trừ bệnh Phesolmaneo của Công ty CP Nông nghiệp CMP trên nhãn ghi vượt đối tượng so với hồ sơ đăng ký (không đúng bản chất, sự thật) được sản xuất ngày 2/4/2018.
Đặc biệt, quá trình kiểm tra cơ quan Đồng Nai tiếp tục phát hiện thuốc diệt côn trùng Fenapyr 240SC sản xuất ngày 25/7/2019 không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam do Công ty TNHH Nam Bắc (TP.HCM) sản xuất.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Anfa Sài Gòn cũng bị phạt 30 triệu đồng về hành vi chất lượng sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc
Chia sẻ với phóng viên về tình trạng sản phẩm sai mác, công dụng, kém chất lượng, nhiều nông dân bức xúc: “Vào mùa, chúng tôi bỏ tiền triệu để mua thuốc trừ bệnh, trừ sâu của nhiều công ty nhưng nhiều khi phun xong hiệu quả không thấy, thậm chí còn tác dụng phụ khiến cây bị ảnh hưởng đến năng suất.
Ảnh hưởng là thế, chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai, chỉ mong cơ quan chức năng nhà nước thường xuyên kiểm tra, xử phạt thật nặng những công ty bất chấp pháp luật để kinh doanh, sản xuất sản phẩm kém chất lượng, hàng giả... để nông dân được yên tâm sản xuất.”
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc thị trường thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về chất lượng, nhãn mác, công dụng nhiều do xử phạt còn nhẹ so với tổng lợi nhuận mà các công ty sản xuất thu về. Mặt khác, các đại lý nhận biết thông tin từ các sản phẩm, giấy phép đăng ký, các thuốc BVTV trong danh mục được sử dụng tại Việt Nam còn hạn chế; Thẩm quyền xử phạt cũng còn nhiều bất cập…
Ngoài ra, thời gian gần đây trên thị trường còn nhiều sản phẩm kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” khi đăng ký sản phẩm Cục Y tế nhưng lại bày bán tại các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp đã khiến người dân như bị lao vào “ma trận” của thị trường thuốc BVTV.
Trao đổi vấn đề trên, nhiều chuyên gia chia sẻ, sản phẩm đăng ký từ Cục Y tế lại đem dùng cho cây trồng có ảnh hưởng như thế nào chưa bàn tới nhưng việc đưa một sản phẩm thuốc BVTV vào lưu hành ngoài phải trải qua khâu đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) còn trải qua nghiên cứu, khảo nghiệm ít nhất từ 1 - 2 năm trên cây trồng mới được lưu hành…
Các chuyên gia nông nghiệp rất mong các cơ quan nhà nước giám sát, tạo quy chế siết chặt các sản phẩm trên để tránh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các công ty sản xuất thuốc BVTV chân chính cũng như việc chăm sóc, năng suất cây trồng của nhà nông