Đây chính là các cầu nối đưa nông sản mũi nhọn của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường thế giới…
Các mặt hàng trái cây về chợ đầu mối với số lượng rất lớn. |
Theo dự thảo “Đề án Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại của Việt Nam giai đoạn 2020-2030 và định hướng đến năm 2045”, cả nước sẽ hình thành các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại các tỉnh và thành phố lớn, trung tâm thu gom nông sản và thủy sản tại vùng sản xuất trọng điểm, trung tâm cung ứng nông sản đường biên tại tỉnh có cửa khẩu quan trọng, chợ vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cấp xã…
Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Nông thôn, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đề án cho biết: “Trong giai đoạn thí điểm 2020 - 2025, dự thảo đề án đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện khung cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút DN đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) vào hệ thống cung ứng nông sản hiện đại Việt Nam.
Đồng thời sẽ xây dựng thí điểm khoảng 2 - 3 trung tâm cung ứng nông sản hiện đại (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ); 2 - 3 trung tâm thu gom nông sản và thủy sản (Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu); 2 trung tâm cung ứng nông sản đường biên (Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn) và khoảng 20 chợ thực phẩm an toàn cấp xã kết nối với hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại”.
Theo ông Thắng, giải pháp chính thực hiện đề án là phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng mạng cung ứng nông sản kỹ thuật số, phát triển nguồn nhân lực, triển khai hiệu quả các giải pháp huy động các nguồn vốn…
Ý kiến của các địa phương cho rằng, việc xây dựng trung tâm cung ứng nông sản, yếu tố quan trọng nhất là cần phải quan tâm tới vị trí. Đồng thời, cần xác định quy mô xây dựng, loại chợ, dịch vụ, cũng như tính toán công tác quản lý, điều hành theo mô hình quản trị chợ đầu mối.
Cả nước sẽ hình thành hàng loạt Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại các tỉnh và thành phố lớn. |
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận bày tỏ quan điểm: “Với Trung tâm thu gom nông sản cần làm luôn chức năng xuất khẩu chứ không cẩn phải chuyển về trung tâm hiện đại nữa”.
Theo ông Phước, Bình Thuận có ngư trường rộng 50 ngàn km2, với sản lượng đánh bắt lớn khoảng hơn 220 ngàn tấn/năm; sản lượng thanh long cũng trên 600.000 tấn/năm chiếm khoảng 70% sản lượng thanh long cả nước.
Do vậy, địa phương rất cần xây dựng riêng trung tâm thu gom nông sản và thủy sản để xuất khẩu trực tiếp chứ không phải phụ thuộc vào các trung tâm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hay Lâm Đồng như trong đề án nêu.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống kho lạnh ngay tại khu vực cửa khẩu để chủ động lưu trữ các mặt hàng nông sản mỗi khi Trung Quốc gây khó khăn không thu mua, hoặc mua với giá rẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bertrant Ambroise – Giám đốc Hợp tác Quốc tế (Tập đoàn Semmaris – Pháp) chia sẻ: Tại các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển, chợ đầu mối đều hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và chính sách nông nghiệp.
Đồng thời, đây cũng là công cụ để cơ cấu lại hạ tầng đô thị, giảm tắc nghẽn giao thông, đảm bảo các hoạt động bán lẻ quy mô nhỏ và tạo động lực cho kinh tế địa phương. Cải thiện công tác quản lý chất thải và nước thải từ công nghiệp chế biến và các hoạt động logistics cho nông sản.
Còn tại Việt Nam, chợ đầu mối đóng vai trò cực kì quan trọng cung cấp thực phẩm cho các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Chợ đầu mối là mắt xích rất quan trọng trong việc tiếp nhận số lượng lớn thực phẩm tươi sống và cung ứng thực phẩm an toàn. Tại Rungis (Paris) - chợ đầu mối lớn nhất thế giới, mỗi năm, giá trị hàng hóa tiêu thụ đạt 4 – 9 tỷ Euro/năm.
Chợ đầu mối là mắt xích rất quan trọng trong việc tiếp nhận số lượng lớn thực phẩm tươi sống và cung ứng thực phẩm an toàn. |
Thực tế, dự án đã ghi nhận được nhiều kinh nghiệm quốc tế và những bài học có thể áp dụng vào Việt Nam, xây dựng bộ bản đồ hiện trạng hệ thống chợ đầu mối nông sản gắn với các vùng nguyên liệu chính trên cả nước, xây dựng các tiêu chí cho hệ thống cung ứng nông sản hiện đại. Đồng thời đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống cưng ứng nông sản hiện đại… Dự kiến, đầu tháng 12/2019, các đơn vị sẽ hoàn thành thủ tục báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết: “Hiện nay trên cả nước có trên 6.000 chợ nông thôn và có nhiều chợ đầu mối đang hoạt động như chợ đầu mối đặt tại nhiều tỉnh thành lớn.
Tuy nhiên, sự kết nối giữa chợ đầu mối với các vùng nguyên liệu hiện còn rất nhiều bất cập, vì trên thực tế, khi hàng hóa về chợ vẫn phải tốn công sơ chế lại khiến chất lượng không đảm bảo và tạo ra lượng rác thải rất lớn, cũng như dịch vụ logistics tốn kém”.
Theo ông Tiến, mục tiêu của Đề án cần phải kết nối các vùng nguyên liệu với các trung tâm thu gom cung ứng; đặc biệt nhằm giúp nguồn nông sản đảm bảo VSATTP, tươi, sạch… phục vụ cho thị trường trong nước và XK. Hơn nữa theo yêu cầu của các thị trường XK, trong đó có thị trường Trung Quốc, những quy định về cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc phải được thông tin đầy đủ đến người sản xuất. Các trung tâm cung ứng sẽ hỗ trợ các dịch vụ từ khâu BVTV đến thú y, nhằm đảm bảo sản xuất theo quy trình chuẩn, sạch, an toàn và từng bước sản xuất theo hướng hữu cơ.
Sơ chế trái cây tại chợ đầu mối. |